21. Khuyến khích việc xếp hạng và đánh giá app:
Để tiếp tục duy trì độ tăng trưởng app sau ngày phát hành app mà không phải chi vượt ngân sách của app, bạn cần để người dùng nói ra ý kiến của họ.
Khi có người dùng tiềm năng xem xét app của bạn, tiêu chí đầu tiên họ xem xét là thứ hạng (số sao xếp hạng trên chợ app) và các đánh giá (reviews) của người dùng. Những đánh giá tích cực và mức độ xếp hạng cao (4 sao trở lên) là bằng chứng cho thấy app của bạn có chất lượng cao. Ngược lại, các đánh giá tiêu cực và xếp hạng thấp sẽ khiến người dùng tiềm năng quay lưng đi mất hay cảnh báo với họ rằng app của bạn không phù hợp. Thực tế cho thấy chỉ cần tăng xếp hạng app của bạn từ 3-sao lên 4-sao cũng có thể làm tăng gấp đôi số lượt tải app.
Để tăng mức độ tải app, hãy chủ động nhờ các khách hàng thân thuộc của bạn làm đánh giá và xếp hạng. Bằng cách hỏi nhờ các khách hàng này, ví dụ những người xài app từ năm lần trở lên, bạn có thể xếp lại bộ bài để làm tăng thứ hạng và số đánh giá tích cực của app. Do đó hãy lọc ra những người dùng trung thành và khuyến khích họ đưa ra đánh giá và xếp hạng app của bạn là bước đi khôn ngoan mà ít tốn chi phí nhất.
Đối với Apple iTunes Store, bạn cần đặc biệt chú ý đảm bảo số lượt đánh giá và xếp hạng của bạn là trên mức tối thiểu để App Store tính toán và công bố kết quả, thông thường là 5 lượt với đầy đủ thông tin (xếp hạng, bỏ phiếu, bình luận). Nếu không, app của bạn không được xếp loại dẫn đến khó tìm thấy và tải về ở chợ app iOS.
22. Theo dõi xếp hạng và xu hướng tải về:
Trong những tuần sau ngày phát hành, app của bạn dễ bị xếp hạng thấp. Điểm xếp hạng thấp dẫn tới app ít xuất hiện ở các tìm kiếm trên chợ app. Điểm xếp hạng phụ thuộc vào nhiều yếu tố do người dùng bỏ phiếu, bao gồm: mức xếp hạng, đánh giá, lượt tải, và thời gian duy trì app.
Nếu app của bạn đã tích lũy đủ số lượng đánh giá và xếp hạng tốt và số lượt tải đủ nhiều thì một hai đánh giá kém hay một ngày ít lượt tải sẽ không làm thay đổi thứ hạng của app mấy. Tuy nhiên với một app mới, điều này không đúng vì số lượng đánh giá và tải app còn ít nên một hai phản hồi tiêu cực sẽ có tác động lớn đến thứ hạng của app.
Trong thời gian này, bạn nên chấp nhận thứ hạng, và hậu quả là lượt tải về, sẽ thay đổi lên xuống nhiều tùy theo ngày và chỉ ổn định dần sau vài tuần. Để thành công bạn hãy chú ý đến các yếu tố ảnh hưởng đến thứ hạng của bạn, những yếu tố mà bạn có thể can thiệp được để đảm bảo thứ hạng app tăng dần lên.
23. Phát hành bản cập nhật đầu tiên:
Như mọi nhà phát hành app khác, bạn sẽ thu thập được nhiều lỗi của app mới và dần tạo bạn có danh mục các lỗi cần được sửa ngay, danh mục này ngày càng nhiều lên. Vấn đề của bạn là khách hàng thường không bỏ qua cho bạn khi gặp các lỗi trên app.
Hãy làm khách hàng trở nên trung thành bằng cách lắng nghe và hành động ngay khi nhận được báo cáo lỗi từ họ. Không quan trọng lỗi ấy nhỏ nhặt đến đâu, khách hàng thấy nó quan trọng mới báo nó cho bạn là đủ. Khắc phục các lỗi này sẽ làm khách hàng thấy mình được tôn trọng và biết bạn là người quan tâm đến việc duy trì chất lượng của app, dù phải sửa bao nhiêu lỗi đi chăng nữa.
Các app hàng đầu thường được cập nhật hàng tháng, còn các app mới thì tần suất cập nhật có thể nhiều hơn, nhất là trong giai đoạn đầu sau phát hành.
Bạn cũng nên biết rằng đối với chợ iOS, khi bạn cập nhật app thì thứ hạng của app lại bị trở về ban đầu. Để giảm thiểu tác động này, bạn hãy kết hợp nhiều sửa lỗi nhất có thể ở lần phát hành bản vá lỗi đầu tiên.
24. Tiếp tục cập nhật Bảng biểu báo cáo tổng hợp:
Cũng giống như việc theo dõi thứ hạng app của bạn liên tục ngay sau ngày phát hành nó, bạn cũng nên làm vậy với các tiêu chí đánh giá hoạt động của app. Hàng tuần bạn cần xem xét Bảng biểu báo cáo tổng hợp kết quả, cập nhật những tiến triển của từng tiêu chí bạn đã đặt ra.
Các kết quả này sẽ giúp bạn dự báo mức độ tăng trưởng của app, đo lường tác động của các bản vá lỗi đầu tiên và đánh giá hiệu quả các hoạt động tiếp thị cho app.
Ba tháng sau ngày phát hành: Lên kế hoạch tăng trưởng
25. Tổng hợp đề xuất của người dùng:
Bên cạnh các phản hồi về lỗi hay sự cố khác, người dùng thường đưa ra các đề xuất cải tiến thông qua các bình luận và đánh giá của mình trên chợ app hay các công cụ phản hồi có trong app. Khi đó bạn sẽ có một danh mục dài các tính năng cần thêm vào app. Trong khi bạn không thể (và cũng không nên) bổ sung tất cả vào app, chúng tôi khuyên bạn nên phân tích các yêu cầu này bằng cách sắp xếp chúng lại theo tần suất và mức độ ưu tiên:
- Tần suất: Số lượt yêu cầu tính năng này ? Nó có ích cho một nhóm nhỏ hay cho phần lớn người dùng ?
- Ưu tiên: Tính năng mới này có mang lại giá trị ngay cho bạn ? Với nguồn lực kỹ thuật hạn chế, tính năng này nên được ưu tiên hơn ? Độ phức tạp của nó khi phát triển ? Chi phí ? Thời gian ?
Bạn không thể làm hài lòng tất cả mọi người, nhưng bằng cách phân loại các yêu cầu thêm bớt tính năng theo tần suất hay mức độ ưu tiên, bạn có thể tối ưu nguồn lực của mình và làm cho người dùng có trải nghiệm tốt về app của bạn.
26. Xây dựng lộ trình mỗi ba tháng cho app:
Trong khi việc tiếp thu phản hồi của người dùng app đã là quan trọng thì việc quan trọng hơn đó là tiếp tục triển khai tầm nhìn ban đầu khi mới xác định phải xây dựng app và đáp ứng yêu cầu khách hàng ngày càng tốt hơn nữa. Bạn cần tiếp tục phát triển app bằng cách xây dựng lộ trình (roadmap) phát triển app trong tương lai. Lộ trình này sẽ liệt kê các công việc cần làm để đưa ra các tính năng mới có độ ưu tiên cao nhất trong khi vẫn linh hoạt kiểm tra chất lượng app định kỳ và sửa các lỗi được người dùng gửi về.
27. Khuyến khích việc sử dụng app:
Khi những độ nóng của app mới phát hành giảm đi, việc thu hút người tải app sẽ khó hơn. Khi đó tỷ lệ duy trì app trở nên có giá trị.
Hãy cho người dùng của bạn lý do để mở app của bạn ra xài hàng ngày. Để làm được điều này, app của bạn phải làm họ gắn kết với nó tiếp tục bằng việc có nội dung mới ở mỗi lần mở app, có hệ thống tính điểm thành viên để tưởng thưởng cho họ bằng các món quà vật chất hay tinh thần, được cá nhân hóa các trải nghiệm mua sắm hay bất cứ cái gì giữ chân họ được.
Trong khi việc xây dựng những tính năng khích lệ/thưởng quà người dùng này có thể làm phát sinh chi phí lập trình hay mua quà tặng, bạn sẽ thấy chi phí này có ROI cao hơn là chi phí bỏ ra để thu hút người mới tải app. Khoảng 70% doanh nghiệp cho rằng chi phí giữ khách hàng rẻ hơn nhiều chi phí kiếm khách hàng mới.
28. Giới thiệu app:
Bạn sẽ đỡ nhức đầu nếu app của bạn có sự tăng trưởng tự nhiên (organic growth) bởi người dùng tự giới thiệu app cho bạn bè hay đồng nghiệp của họ. Để làm được điều này bạn cần phải:
- Làm cho app của bạn đáng được chia sẻ. Có sự khác nhau giữa người xài app và người yêu thích nó. Để app được họ chia sẻ với người khác, nó phải được họ yêu thích. Họ phải tin rằng app của bạn hoàn toàn đáp ứng nhu cầu của họ và cũng như những người bạn xung quanh họ.
- Làm sao cho việc chia sẻ app với người khác là rất dễ dàng. Để người dùng nhớ đến app của bạn và đề cập đến nó mỗi khi gặp bạn bè của họ là kỳ vọng quá xa vời. Thay vào đó hãy làm app của bạn được giới thiệu đến người khác chỉ bằng một nút nhấn. App càng dễ chia sẻ thì nó càng được nhiều người giúp giới thiệu.
29. Tối ưu tần suất thông báo và truyền thông tiếp thị:
Khách hàng muốn kết nối với bạn nhưng họ không muốn bị làm phiền bởi các thông báo (push hay in-app notification). Việc gửi thông tin tiếp thị luôn có điểm tới hạn mà nhiều hơn nữa sẽ làm giảm giá trị của việc tiếp thị. Cần nhận biết được tần suất tối ưu khi gửi các thông điệp đến khách hàng bằng các thông báo cả ở màn hình chính lẫn bên trong app của bạn.
Những thông báo bực mình không đúng lúc hay có tần suất dày đặc là nguyên nhân chính dẫn đến việc người dùng xóa app ra khỏi điện thoại.
Sự thật là các bản thông báo (push notification), vốn dùng để giữ chân khách hàng, có thể dễ dàng trở thành lý do để khách hàng rời bỏ bạn khi họ cho rằng các thông báo này là phiền phức.
May mắn là bằng các công cụ phân tích dữ liệu được bạn tích hợp từ trước, việc tối ưu hóa này có thể thực hiện được. Hãy tiến hành những bài kiểm tra nhanh bằng cách gửi thông báo cho từng nhóm người dùng khác nhau với các thông điệp tiếp thị khác nhau trong thời gian một tuần, rồi đo lường các thông số như tỷ lệ mở ra đọc, tỷ lệ phản hồi, và tỷ lệ thoát khỏi app vì chúng sẽ là các chỉ dấu cho biết khả năng chấp nhận của người dùng.
30. Đánh giá Bảng biểu báo cáo tổng hợp để biết được những thay đổi qua mỗi lần cập nhật app và thông điệp truyền thông sẽ làm thay đổi các tiêu chí đánh giá hoạt động của app ra sao:
Lúc này bạn đã thu thập được rất nhiều dữ liệu về người dùng so với lúc mới phát hành app. Khi biết được nhiều thông tin về nhu cầu, mong muốn và xu hướng của họ, bạn có thể tiếp tục tìm ra các cách thức sáng tạo để giữ chân, kết nối và thương mại hóa người dùng.
Chúng tôi đề nghị bạn định kỳ kiểm tra với người dùng tại mỗi giai đoạn phát triển app các nội dung sau:
- Khi muốn đưa một tính năng mới vào app, hãy làm một cuộc khảo sát hay hỏi trực tiếp người dùng để biết người dùng có thật sự cần tính năng này hay không.
- Khi phát triển một tính năng mới, hãy thử nghiệm nó với một nhóm nhỏ người dùng trước với thử nghiệm beta để thu thập phản hồi, tinh chỉnh nó trước khi phát hành chính thức.
- Khi phát hành cập nhật app với tính năng mới, hãy theo dõi mức xếp hạng, đánh giá, nhận xét và tỷ lệ dùng app để biết tính năng mới này có đáp ứng kỳ vọng của người dùng hay không, và làm thế nào để cải thiện tốt hơn cho các lần cập nhật về sau.
Cái hay của việc tiếp thị mobile app là mọi thứ đều có thể kiểm tra trước được. Dù đó là một tin nhắn bên trong app, thông số trên chợ app, hay mức giá đề xuất, bạn có tất cả dữ liệu trong tay để cải thiện trải nghiệm người dùng và lặp lại quy trình này liên tục trong suốt vòng đời của app.
Đằng sau việc phát hành app
Khi chúng ta nghĩ về phát hành app, chúng nghĩ về một thời điểm cụ thể. Thời điểm quan trọng nhất là lúc app phát hành rộng rãi trên chợ app. Thực tế là việc tiếp thị app là một chuỗi dài các thời điểm quan trọng. Phát hành app không phải là việc làm một lần là xong mà bạn phải tiếp tục lặp lại quá trình nâng cấp cải tiến app để ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dùng.
Bằng việc thực hiện 30 bước này, bạn đã xuất phát một cuộc đua. Bạn đã hoàn thành được một công việc nặng nhọc trong sáu tháng qua (là phát triển xong app và phát hành thành công), nhưng bạn còn lâu mới được nghỉ. Tiếp tục kết nối với khách hàng, thu thập dữ liệu, kiểm tra và sáng tạo, bạn không những duy trì động năng phát triển của app mà còn gia tăng nó với tầm mức cao hơn.
Chúc app mới của bạn có tên trong Top 10 !
Bài liên quan:
– 30 bước phát hành mobile app – Phần 1
– 30 bước phát hành mobile app – Phần 2
Tác giả bài gốc: Alex Walz – Apptentive; Ảnh minh họa của Dominika Roseclay