30 bước phát hành mobile app – Phần 2

Launching app

Tiếp theo Phần 1

 

11. Tạo tài liệu cho báo chí:

Để phủ sóng thông tin app rộng rãi, bạn tạo tập tài liệu cung cấp cho các nhà báo và blogger để giúp họ dễ dàng đưa tin về app của bạn. Đảm bảo là bất cứ ai muốn viết bài về app của bạn không phải lần mò tìm kiếm thông tin về app trên Internet mà dễ dàng lấy chúng từ bạn. Hãy tập hợp đầy đủ thông tin về app của bạn trong một thư mục duy nhất trên các cloud như Google Drive, MS OneDrive, Dropbox,… Thư mục báo chí này nên có các nội dung sau:

  • Logo, ảnh giao diện chụp từ màn hình (screenshots), video quảng bá,… của app.
  • Thông tin mô tả app hay Bản mô tả app sẽ đưa lên phần mô tả app trên các chợ app.
  • Đường dẫn tới trang web chính thức của app (app landing page), các trang mạng xã hội giới thiệu app.
  • Đường dẫn tới Thông cáo báo chí và các bài viết liên quan trên website doanh nghiệp.
  • Thông tin liên hệ của doanh nghiệp
12. Giới thiệu về app (pitch):

Lúc này bạn đã biết hay đã kết nối những ai (influencer) có thể giúp bạn quảng bá app rồi nhờ Bước 6 (Phần 1). Bây giờ là lúc mời họ viết bài nói về app của bạn.

Hãy gửi một email riêng đến từng cá nhân (không nên gửi hàng loạt một lần bằng một mẫu email duy nhất) với nội dung giới thiệu app, ngắn gọn nhưng đủ các nội dung sau:

  • Từ 1 – 2 câu giới thiệu doanh nghiệp bạn, bằng cách nào bạn tìm ra họ, và tại sao bạn nghĩ rằng họ sẽ quan tâm đến app sắp ra của bạn dựa trên các bài viết của họ.
  • Từ 2-3 câu giới thiệu về app của bạn, nhấn mạnh các tính năng hay vấn đề mà bạn biết người nhận đang quan tâm hay đã đề cập trong các bài viết của họ.
  • Đường dẫn tới app website, thư mục báo chí và trang phát hành app trên chợ app (app store page).
  • Lời mời họ tham gia Buổi lễ ra mắt app hay tham gia thử nghiệm beta.
  • Hãy kêu gọi họ hành động bằng câu có nội dung như “Chúng tôi chuẩn bị phát hành rộng rãi app này và rất mong muốn được anh/chị viết về nó ở trang blog/tạp chí của anh/chị. Chúng tôi sẵn sàng gửi đến anh/chị bất cứ thông tin nào anh/chị cần đến”.

Quan trọng là email phải không có quá dài (không quá ba đoạn) để tiết kiệm thời gian cho người nhận.

Khi đã nhận được bộ tài liệu ở thư mục trên, các nhà báo hay blogger dễ dàng nắm bắt đầy đủ thông tin về app của bạn, do đó họ có thể xào nấu thành bài viết riêng dựa trên quan điểm hay góc nhìn của họ. Bạn cũng nên sẳn sàng trả lời các câu hỏi của họ nếu có và nếu có được một buổi phỏng vấn có ghi hình thì càng tuyệt vời. Video này sẽ được bạn dùng giống như video quảng bá ở Bước 4 (Phần 1).

Bạn cũng nên cho người theo dõi các bài viết về app của bạn, sưu tầm chúng lại và dẫn các đường link này lên các website, mạng xã hội của bạn để tăng thêm độ nóng cho app.

13. Chốt lại thông điệp quảng bá app và thông tin mô tả app:

Ở giai đoạn này, bạn đã thu thập được nhiều thông tin từ app website, mạng xã hội, diễn đàn, và phản hồi từ kiểm tra beta. Hãy dùng các thông tin này để tinh chỉnh thêm thông điệp quảng bá app và thông tin mô tả app, làm sao để chúng gây sự chú ý, tò mò và tạo nhu cầu tải app ở người dùng tiềm năng.

Bạn nên biết rằng hơn một nữa số lượng app được người dùng biết tới khi tìm kiếm trên chợ app. Để đảm bảo app của bạn xuất hiện ở vị trí cao trong kết quả tìm kiếm, bạn cần phải nói cùng ngôn ngữ với đối tượng người dùng bạn nhắm đến. Hãy dùng các từ ngữ mà họ hay dùng để mô tả app của bạn và thông điệp của bạn phải cộng hưởng với mối quan tâm của họ.

14. Tìm kiếm và tích hợp các phần mềm phân tích cho app của bạn:

Tiếp theo, bạn cần tích hợp các công cụ thu thập, phân tích và đánh giá dữ liệu hoạt động mọi mặt của app theo các tiêu chí đã được xây dựng ở Bước 8 (Phần 1) trong suốt vòng đời của app. Các công cụ phần mềm nên có bao gồm công cụ phân tích dữ liệu, giám sát chất lượng app, theo dõi người dùng tải hay xóa app, quản lý trãi nghiệm người dùng,… Bản thân Apple và Google cũng có nhiều công cụ loại này cho bạn, hãy vào Developer Pages để xem thêm.

 

Ngày phát hành app !

 

15. Gửi app lên một hay nhiều chợ app:

Bạn đã nghiên cứu các quy định của chợ app và đảm bảo app của bạn tuân thủ chúng đầy đủ. Tuy nhiên, để an toàn, bạn nên gửi app đến chợ app trước một tuần so với ngày chính thức để kịp chỉnh sửa lần chót nếu được Apple hay Google yêu cầu.

16. Thông báo bằng email đến người dùng tiềm năng:

Khi app của bạn đã được chấp nhận có mặt trên chợ app, lúc này là thời điểm để bạn  loan báo rộng rãi đến mọi người một cách đầy tự hào.

Bạn đã tích lũy được nhiều thông tin người dùng tiềm năng trong các bước ở Phần 1. Hãy gửi email đến tất cả họ với thông điệp app của bạn vừa mới phát hành rộng rãi, khuyến khích họ thử xài app và tỏ lòng biết ơn họ vì đã ủng hộ bạn trong quá trình phát triển app. Nếu bạn có thể tặng quà cho những người dùng đầu tiên thì đây là một cách làm rất hay. Grab, Baemin, Coffee House, Tiki, … đều dùng các cách này để khuyến khích việc tải app và sử dụng.

17. Thông báo đến các blogger và nhà báo:

Hãy gửi thông tin phát hành app đến các cá nhân bạn đã liên hệ ở Bước 12. Kèm theo là đường dẫn đến trang app chính thức trên chợ app. Một lần nữa khuyến khích họ tải app và nhắc họ viết bài đánh giá app giúp.

18. Thiết kế Bảng biểu báo cáo tổng hợp ghi nhận và hiển thị số liệu phân tích, thống kê về app của bạn:

Khi app đã phát hành, đội ngũ phụ trách app của bạn sẽ bận túi bụi vào việc tiếp thị quảng bá app, hỗ trợ người dùng, tiếp nhận phản hồi, thu thập đánh giá, ,… nên rất dễ quên nhìn vào bức tranh tổng thể hoạt động của app.

Với các công cụ phần mềm bạn đã tích hợp ở Bước 14 ở trên, hãy phân công người theo dõi, tổng hợp và thiết kế một Bảng biểu báo cáo tổng hợp (dashboard) tất cả các tiêu chí bạn dùng một cách trực quan và dễ hiểu nhất. Khi đó các bộ phận có liên quan sẽ dễ dàng có được bức tranh tổng thể về hoạt động của app, từ đó điều chỉnh các hoạt động tiếp thị, quảng bá, vận hành cũng như sửa lỗi và cập nhật app liên tục.

 

Ba tuần sau khi phát hành: Phân tích và Cải tiến

 

19. Theo dõi luồng thông tin phản hồi, đánh giá và mạng xã hội để biết về chấp nhận app của người dùng:

Các công cụ thu thập phản hồi khi làm thử nghiệm beta ở Bước 10 – Phần 1 được sử dụng ở giai đoạn hậu phát hành này. Các kênh này thu thập các đề xuất cải tiến, báo cáo các lỗi và các nhận xét khác từ người dùng.

Hiếm có app nào mới ra mà không có lỗi ít nhiều. Hãy theo dõi thường xuyên các phản hồi để nhận biết lỗi và phát hành bản sửa lỗi V1.1 trong khi app của bạn vẫn đang nằm trong tâm trí của người dùng và truyền thông.

Được phản hồi sớm là dấu hiệu tốt cho thấy mức độ hài lòng của người dùng. Họ thường quyết định có tiếp tục dùng app hay không trong 30 giây đầu tiên, do đó app của bạn càng hoàn hảo (ở đây là ít lỗi) càng tốt.

20. Kết nối với những người dùng đầu tiên một cách chủ động để hạn chế việc app bị bỏ rơi:

Những tuần đầu tiên sau ngày phát hành là thời gian vàng cho việc thu hút người dùng mới. Bên cạnh những người dùng là khách hàng trung thành của bạn sẽ còn có những người lần đầu tiên nghe đến app của bạn và tải app về xài thử, do đó số lượt tải sẽ tăng lên nhanh trong giai đoạn này.

Tuy nhiên, quan trọng không kém số lượt tải là số người dùng tiếp tục giữ và xài app. Những trải nghiệm đầu tiên của họ với app phải là những trải nghiệm tích cực, từ đó dẫn tới việc họ quay lại sử dụng app. Cách nào tốt nhất để cho họ những trải nghiệm tích cực ? Đó là kết nối, là giao tiếp. Hãy nói chuyện với họ và làm họ thấy mình có giá trị đối với bạn. Thực tế cho thấy nếu doanh nghiệp làm app chủ động kết nối với người dùng, tôn trọng phản hồi của họ thì có thể tăng việc giữ app trong vòng ba tháng lên 400%.

(còn tiếp)

Bài liên quan:

30 bước phát hành mobile app – Phần 1

30 bước phát hành mobile app – Phần 3

 

Tác giả bài gốc: Alex Walz – Apptentive; Ảnh minh họa của Pixabay

Comments are closed.