MVP: Thu thập phản hồi của người dùng cho Mobile App

MVP

Với xu thế công nghệ hóa ngày nay, nhiều doanh nghiệp đã phát triển các ứng dụng di động – mobile app riêng cho mình để phục vụ và mang lại trải nghiệm mới cho khách hàng. Từ đó bùng nổ mobile app doanh nghiệp như ta đã thấy.

Đã có nhiều doanh nghiệp rất thành công trong việc đưa ứng dụng đến người dùng nhưng cũng có rất nhiều doanh nghiệp khác thất bại, hao tổn thời gian và chi phí. Lý do thất bại phổ biến nhất và chiếm tới 80% tỷ lệ thất bại trong việc phát triển ứng dụng đó là: “Khách hàng không tìm thấy sự gắn kết với ứng dụng của doanh nghiệp” hay nói cách khác là ứng dụng được phát triển ra không phù hợp và không giải quyết được những điều người dùng mong đợi.

Nguyên nhân dẫn đến sự thất bại đó là các doanh nghiệp đã xem nhẹ hoặc bỏ qua giai đoạn Minimum Viable Product – MVP (Giai đoạn dùng thử và đánh giá) của ứng dụng mà đi thẳng tới giai đoạn thương mại hóa đưa ứng dụng cuối cùng ra thị trường.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về giai đoạn MVP cũng như các mục đích và lợi ích mà giai đoạn này mang lại nhằm giúp cho doanh nghiệp tránh được các lầm tưởng về người dùng mà thay vào đó là nắm bắt được thực tế hành vi, thói quen cũng như nhu cầu mà người dùng mong đợi ở ứng dụng di động của doanh nghiệp.

Giới thiệu MVP Giai đoạn dùng thử và đánh giá

Phần mềm mobile app của giai đoạn MVP là phiên bản thu nhỏ của một mobile app thực thụ vì nó chỉ có các tính năng tối cần thiết mà nhà phát triển sẽ cung cấp cho người dùng trải nghiệm thử để đánh giá mức độ phù hợp. Trong quá trình trải nghiệm này nhà phát triển sẽ theo dõi và tiếp nhận các phản hồi của người dùng về ứng dụng, trong trường hợp xấu nhất là ứng dụng không phù hợp với người dùng hay lỗi phát sinh quá nhiều thì doanh nghiệp cũng dễ dàng ngưng việc phát triển app và tiết kiệm được rất nhiều chi phí so với việc phát hành một mobile app hoàn chỉnh ra thị trường để rồi dẹp bỏ vì không hiệu quả.

Những mục đích của giai đoạn MVP:

1. Kiểm tra và đo lường được nguồn lực tối thiểu dùng cho vận hành và duy trì app:

Cần có bao nhiêu nhân sự sẽ cập nhật nội dung, duyệt nội dung, đăng ảnh, cập nhật thông tin mới, cũng như xác nhận, gửi các chương trình khuyến mãi cho khách hàng ? .… Với việc phát triển giai đoạn MVP bạn sẽ có được con số ước tính về ngân sách và nhân sự mà bạn cần để phát triển và vận hành ứng dụng ở phiên bản thương mại trong tương lai.

2. Khách hàng sẽ dạy chúng ta nhiều điều:

Doanh nghiệp làm app sẽ có được nhiều thông tin lý thú và có tính thực tiễn cao trong giai đoạn MVP này. Những khách hàng đầu tiên, thường là các đối tượng thân thiết với doanh nghiệp, sẽ mang đến những phản hồi và các lời khuyên bổ ích, ngoài ra họ còn tư vấn và góp ý về các tính năng, cách dùng của ứng dụng sao cho dễ dùng và gần gũi với người dùng nhất. Từ đó mà doanh nghiệp và đội ngũ phát triển sẽ nhanh chóng học hỏi thêm nhiều điều và hiểu hơn về chân dung khách hàng của mình.

3. Tiết kiệm thời gian chỉnh sửa – cập nhật cho phiên bản thương mại:

Thông qua các phản hồi và góp ý của khách hàng, đội ngũ kỹ thuật sẽ chỉnh sửa và cập nhật mới liên tục các phiên bản sửa lỗi. Vì thế cho đến khi phát triển ra phiên bản thương mại thì 70% các tính năng của ứng dụng có thể đáp ứng và làm hài lòng người dùng sớm nhất. Và đội ngũ kỹ thuật sau đó chỉ phát triển thêm các tính năng mới, tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức.

4. Rút ngắn thông qua mobile app của các ban bệ trong doanh nghiệp sớm nhất:

Khách hàng của app chính là các phòng ban của doanh nghiệp, những bộ phận sẽ quản lý và vận hành trực tiếp mobile app. Trước đó doanh nghiệp đã quảng bá và hứa hẹn về một app nên sẽ thu hút được nhiều khách hàng quan tâm và mong đợi, từ đó gây áp lực lớn lên các phòng ban này trong việc phối hợp xây dựng app với đội ngũ phát triển. Giai đoạn MVP của app giúp các phòng ban hiểu rõ và làm quen cách thức hoạt động của mobile app, từ đó họ điều chỉnh các đầu bài về app (yêu cầu, quy trình, tổ chức,…) cho sản phẩm app hoàn chỉnh về sau. Việc này sẽ giúp rút ngắn thời gian phát hành app một cách rộng rãi, giảm được thời gian chờ đợi của các khách hàng quan tâm, và giúp doanh nghiệp gia tăng giá trị thương hiệu và uy tín với khách hàng.

5. Nền tảng cho các mobile app sau này:

Khi đã thành công trong việc triển khai giai đoạn MVP cho một sản phẩm, đó sẽ là tiền đề giúp doanh nghiệp và đội ngũ phát triển có kinh nghiệm và kỹ năng để triển khai giai đoạn MVP cho các sản phẩm app khác về sau. Từ đó rút ngắn được rất nhiều công đoạn thừa mà đã mắc phải ở lần triển khai MVP cho app đầu tiên.

6. Xây dựng thương hiệu cho app nhanh hơn đối thủ:

Nếu giữa hai doanh nghiệp cùng có ý tưởng làm app để phục vụ khách hàng thì doanh nghiệp nào mang app đến với khách hàng sớm nhất sẽ có nhiều lợi thế hơn so với doanh nghiệp còn lại. Vì doanh nghiệp đến sớm hơn mặc nhiên sẽ thu hút được một lượng khách hàng về mình và kèm theo đó là có được các đánh giá về app từ khách hàng giúp cho doanh nghiệp đó có cơ hội cải thiện và hoàn chỉnh ứng dụng hơn so với doanh nghiệp chậm chân còn lại.

Tóm lại, chúng ta thấy giai đoạn MVP là giai đoạn cực kỳ quan trọng trong việc phát triển ứng dụng ra thị trường của các doanh nghiệp. Bằng việc thấu hiểu khách hàng và tôn trọng các phản hồi của họ, mà doanh nghiệp nhanh chóng cải thiện và nâng cấp các phiên bản sửa lỗi nhằm khắc phục và hoàn chỉnh ứng dụng trong mắt người dùng, từ đó tiết kiệm được nhiều nguồn lực danh cho việc phát triển mobile app mà vẫn đảm bảo có được một sản phẩm app thành công lâu dài.

 

Bài liên quan:

– Lựa chọn đối tác phát triển app doanh nghiệp như thế nào ?

– Event Mobile App có cần cho một sự kiện không ?

Comments are closed.