Hiện nay nhiều doanh nghiệp duy trì một website để giới thiệu thông tin sản phẩm, dịch vụ của mình cho khách hàng. Tuy nhiên hạn chế lớn nhất của website là tính một chiều của nó: chiều thông tin từ doanh nghiệp đến khách hàng, còn chiều phản hồi từ khách hàng đến doanh nghiệp thì hiệu quả rất hạn chế. Nhiều website đã ứng dụng phần mềm chat để khách hàng giao tiếp trực tiếp với đại diện doanh nghiệp, tuy nhiên cách này cũng có nhiều hạn chế như cần duy trì đội ngũ nhân viên trực chat 24/7, họ chủ yếu tiếp nhận thông tin và yêu cầu của khách hàng chứ không thể xử lý hay giải quyết được nhu cầu của khách hàng một cách nhanh chóng, chưa phải là kênh tiếp nhận đánh giá, nhận xét, khiếu nại, than phiền, … của khách hàng về doanh nghiệp, không phân loại được khách hàng để tối ưu hóa việc cung cấp thông tin hay quảng bá tiếp thị, hỗ trợ quản lý khách hàng thân thuộc, …
Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu quan tâm đến việc có thêm một mobile app để có một kênh giao tiếp tốt 1-1 với khách hàng và gia tăng trải nghiệm của khách hàng với doanh nghiệp.
Khi đã quyết định cần có một mobile app, doanh nghiệp bắt đầu đầu tư ngân sách, nhân sự và thời gian để xây dựng một app thật hoàn hảo. Rồi cũng đến ngày trọng đại, ngày phát hành app, và họ đưa nó lên các chợ app của Android Play Store và iOS iTunes Store. Rất nhiều các doanh nghiệp bị mắc lỗi ở đây vì họ tưởng ngày gửi app lên các chợ app cũng là ngày công bố app cho khách hàng của mình ! Rồi họ háo hức ngồi chờ khách hàng tải app, và quá muộn để nhận ra rằng app của mình bị chìm nghỉm trong vài triệu app sẳn có trên các chợ rồi, và cái app tuyệt vời của họ không có cơ hội được khách hàng biết tới !
Theo một khảo sát của Tổ chức InMobi, thách thức số một đối với nhà phát triển mobile app không phải là thiết kế hay lập trình app mà là TIẾP THỊ MOBILE APP.
Tin xấu là: Dù app có tốt đến đâu nếu không được tiếp thị đúng cách thì nó sẽ gặp khó khăn để thu hút người dùng tải và sử dụng.
Tin tốt là: Bạn không cần có một ngân sách tiếp thị khủng cho app hay phải xây dựng một đội ngũ tiếp thị riêng cho nó.
Trong bài này, chúng tôi sẽ đưa ra một danh sách 30 bước mà bạn có thể học hỏi để trở thành chuyên gia trong việc phát hành mobile app. Chúng tôi xếp các bước này thành ba nhóm: trước khi phát hành, trong khi phát hành và hậu phát hành, nhưng bạn có thể điều chỉnh cho phù hợp nhu cầu của minh. Nếu bạn đang ở giai đoạn đầu của phát triển app, hãy kéo dài thời gian tiếp thị trước khi phát hành khoảng 6 tháng để có thời gian chuẩn bị tốt hơn. Nếu bạn chuẩn bị phát hành app của mình vào tuần sau rồi, bạn hãy gom các bước quan trọng nhất ở đây vào một tuần trước ngày phát hành và dời các bước còn lại sang giai đoạn hậu phát hành.
30 bước để phát hành Mobile App thành công
Ba tháng trước ngày phát hành: Công việc chuẩn bị
1.Nhận biết đối tượng người dùng và định vị giá trị mà app mang lại cho họ:
Những bước đầu tiên của bất cứ một chiến lược phát hành sản phẩm/dịch vụ là trả lời các câu hỏi sau:
– App của bạn dành cho ai ?
– Người dùng có lợi ích gì khi xài app của bạn ?
– Tại sao app của bạn tốt hơn app của đối thủ trong việc mang lại giá trị cho người dùng ?
Trả lời ba câu hỏi này sẽ giúp bạn xác định được nội dung việc tiếp thị app.
2.Đăng ký tên miền và tạo website giới thiệu app (landing page):
Nhanh chóng đăng ký tên miền cho app. Tên miền trùng với tên app thì tốt nhất, nếu không, hãy chọn tên miền có liên quan gần nhất đến tên app. Xây dựng website giới thiệu có thông tin tên, logo, mô tả tính năng của app cùng với biểu mẫu cho khách đăng ký nhận thông tin cập nhật qua email về tiến độ phát triển app.
Việc xây dựng website có thể rất nhanh và rẻ tiền nếu biết tận dụng các công cụ (web builder) và giao diện mẫu (website templates) để làm website rất sẳn có trên thị trường.
Khi website đã hoạt động, bạn bắt đầu thu thập thông tin người dùng tiềm năng, giới thiệu trước các giao diện dự kiến của app, chào mời các phần quà hay ưu đãi gì đó cho những người chấp nhận cài app đầu tiên,… Bạn cũng tích hợp các công cụ phân tích dữ liệu hay công cụ kiểm tra A/B để kiểm tra và lựa chọn các thông điệp tiếp thị cho app. Google Analytics, Optimizely, Unbounce là một trong các công cụ hay được dùng trong trường hợp này.
3.Giới thiệu lên các mạng xã hội:
Sau khi website đã chạy ổn định, bước tiếp theo là bạn cần xác định những trang mạng xã hội nào đối tượng người dùng của bạn tham gia nhiều nhất. Đăng ký tài khoản với các mạng xã hội này và bắt đầu đăng tải đều đặn các thông tin về app sắp tới của bạn.
4.Tạo một video tiếp thị cho app:
Hãy tạo một video có thể giới thiệu tóm tắt về app của bạn trong thời lượng từ một đến hai phút. Video này cần truyền tải được thông điệp tiếp thị mà bạn đã xây dựng ở Bước 1.
Đưa video này lên website và các mạng xã hội ở trên, kênh YouTube của doanh nghiệp, …
Video tiếp thị app sẽ giúp bạn thu hút sự chú ý của người dùng tiềm năng trên các mạng xã hội hay khách ghé website. Video này không nên dài quá ba phút (thời buổi này mọi người thường kém kiên nhẫn để xem video quảng cáo dài dòng), nêu bật những lợi ích chính do app mang lại và trình bày mô phỏng hoạt động của app hay giao diện tương lai của nó.
Ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều công ty hay freelancer có thể làm một video cho bạn với ngân sách khoảng 10 – 20 triệu đồng tùy theo loại hình video: Hoạt hình hay Hình ảnh động (Animation or Motion Video).
5.Tận dụng các diễn đàn – cộng đồng mạng:
Nếu may mắn, bạn có thể tìm được nhiều diễn đàn hay cộng đồng mạng trên Facebook, LinkedIn, … có liên quan gần với đối tượng người dùng bạn đang nhắm tới. Dùng Google Search để tìm kiếm họ và nhảy vào tham gia cùng họ. Tham gia các diễn đàn, các cộng đồng mạng là cách rất tốt để khảo sát thị trường (Họ đang nói về cái gì ? Cái gì được quan tâm nhiều ? Đối thủ được nhắc tới là ai ?). Khéo léo đưa thông tin về app của bạn vào các cuộc thảo luận có liên quan, tìm kiếm và xây dựng quan hệ với các đối tác tiềm năng có thể giúp bạn quảng bá giới thiệu app (affiliate), … Bạn nhớ phải đọc nội quy hay điều lệ của các diễn đàn và cộng đồng này để tránh bị coi là quảng cáo trắng trợn và bị đuổi ra khỏi nhóm nha !
6.Nhận dạng các cá nhân có tầm ảnh hưởng lớn (influencer) và các nhà báo:
Khi bạn đã xác định được các diễn đàn hay cộng đồng hàng đầu, bạn hãy theo dõi các cá nhân nổi bật có bài đăng (post) được chia sẽ nhiều nhất. Có xuất hiện những nhà báo hay cá nhân nổi tiếng nào không ? Và nội dung họ bàn có liên quan ít nhiều đến app của bạn không ?
Hãy tạo một danh sách tất cả các cá nhân và nhà báo có thể viết bài giới thiệu app cho bạn. Cố gắng kết nối với họ qua mạng xã hội và bắt đầu đề cập đến bài viết gần đây của họ có liên quan đến bạn, nuôi dưỡng quan hệ để có thể gửi họ bài giới thiệu app (pitch) của bạn về sau.
Nếu được, bạn có thể nhờ các cá nhân này hay nhà báo chuyên ngành có liên quan giới thiệu app của bạn trên trang blog hay trang báo của họ. Bạn cũng có thể xin được đăng bài trên blog của họ ở mục “Bài của khách mời”. Chia sẻ các bài báo này lên website và mạng xã hội sẽ thu hút được nhiều quan tâm.
7.Tìm hiểu về hướng dẫn phát hành app:
Không có gì tệ hơn việc bạn đã ra thông báo về ngày phát hành app cho mọi người nhưng rồi app của bạn bị ách lại do chợ app từ chối phát hành. Đọc kỹ các quy định và hướng dẫn của mỗi chợ app bạn định đưa lên để tránh vi phạm các lỗi không đáng có. Ngoài ra cần dự trù thời gian và kinh phí để tái phát hành app sau khi đã điều chỉnh cho đúng quy định.
Tham khảo các link bên dưới cho ba chợ app iOS, Android và Amazon:
Amazon Appstore Submission Guidelines
8.Xác định các tiêu chí đánh giá app:
Hãy xác định các tiêu chí đánh giá hiệu quả app của bạn: Số lượt tải app về ? Được xếp hạng 5 sao trên chợ ? Số lượng người dùng đánh giá ? Số người dùng thường xuyên ? Doanh thu trên mỗi người dùng ?
Bạn hãy bỏ thời giờ để xây dựng khung đánh giá cho app để đo lường mức độ thành công của nó. Các tiêu chí mà bạn xem là quan trọng nhất sẽ có trọng số lớn nhất. Khung đo lường này như là một KPI dành cho app và bạn dựa vào đó để đưa ra các quyết định quan trọng trong suốt vòng đời của app.
9.Xây dựng kênh phản hồi:
Trước ngày phát hành app bạn nên tiến hành thử nghiệm xài app trên một nhóm nhỏ người dùng thân quen để xem ở môi trường thực app có lỗi gì không. Bạn mở một kênh liên lạc, có thể qua email, điện thoại hay trên mạng xã hội để tiếp nhận các phản hồi, nhận xét, góp ý, câu hỏi,… về app của những người này.
Tốt nhất là kênh phản hồi này được tích hợp bên trong app luôn để thuận tiện cho cả hai bên. Hiện nay đã có nhiều công cụ chat hay nhắn tin bạn có thể dùng trong app của mình.
Thông tin phản hồi rất quan trọng đối với việc tinh chỉnh app trước ngày phát hành, vì vậy bạn nên có kênh phản hồi càng thuận tiện với người dùng thử càng tốt và chú ý phân tích kỹ thông tin phản hồi để có được những kết luận là cần chỉnh sửa cái gì trước, và chỉnh sửa như thế nào.
Đừng ham các công cụ phản hồi miễn phí hay giá rẻ có đầy trên thị trường. Các kênh phản hồi in-app này cũng sẽ tiếp tục được sử dụng trong các giai đoạn kế tiếp, do đó việc đầu tư chi phí và thời gian để có được kênh phản hồi chất lượng là “đáng đồng tiền bát gạo” về lâu dài.
10.Lên kế hoạch phát hành beta:
Vời kênh phản hồi đã được thiết lập, bây giờ là lúc bạn phát hành bản beta của app (beta test, có chỗ gọi là alpha test), là phiên bản gần với bản hoàn thiện cuối cùng nhất, cho một nhóm người dùng có chọn lọc, thường là qua đăng ký từ trước hay được bạn mời.
Mục đích của việc này là xác định các vấn đề cuối cùng cần xử lý trước ngày phát hành rộng rãi thật sự. Đối với nhiều app, đây là lần đầu tiên có nhiều người không thuộc nhóm phát triển app tham gia kiểm thử app cho bạn. Bạn dùng cơ hội này để xác nhận chất lượng của app cũng như đảm bảo app ít lỗi nhất có thể khi phát hành nó thật sự.
Apple và Google, hai chủ của hai chợ app lớn nhất, cũng khuyến khích các nhà phát triển tiến hành thử nghiệm app bằng cách phát hành beta. Họ xây dựng môi trường thử nghiệm cho bạn với các hướng dẫn chi tiết cách thức tiến hành ở đây:
Beta Testing Made Simple with TestFlight
Set up an open, closed, or internal test
(còn tiếp)
Tác giả bài gốc: Alex Walz – Apptentive; Ảnh minh họa của Juhasz Imre.
Bài liên quan: