Ở Phần 1, chúng ta đã cùng tìm hiểu về giai đoạn sơ khởi của một chiến lược tiếp thị app – Giai đoạn nghiên cứu – phát triển app. Đây là giai đoạn xảy ra trước khi lên ý tưởng phát triển app và công bố app với người dùng. Đây là giai đoạn khá quan trọng vì nó chiếm tới 30% tỷ lệ thành công của một chiến lược xây dựng và tiếp thị app.
Sau khi hoàn tất Giai đoạn nghiên cứu – phát triển app thì bạn đã phát triển xong app và phát hành nó trên các cửa hàng app. Tiếp theo là bạn cần làm sao để khách hàng cài đặt app và sử dụng nó dài lâu. Đây là nội dung bài viết hôm nay với nội dung là hai giai đoạn tiếp theo, chiếm 70% tỷ lệ thành công còn lại của chiến lược tiếp thị, đó là “Giai đoạn tìm kiếm khách hàng” và “Giai đoạn giữ chân khách hàng”.
Giai đoạn tìm kiếm khách hàng
Bạn phát hành app và song song đó triển khai các chiến dịch tiếp thị và quảng bá app đến người dùng mục tiêu theo như các kế hoạch tiếp thị bạn đã nghiên cứu và xây dựng trong Giai đoạn nghiên cứu – phát triển app, ví dụ công bố và làm SEO cho website của app, chạy các quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, gửi email mời cài app, quảng bá trên các nền tảng tiếp thị số như Google Search, Microsoft Bing, Facebook, LinkedIn, YouTube, …
Dù bạn có tự cho rằng app của bạn tốt như thế nào, mang lại nhiều giá trị và lợi ích cho người sử dụng ra sao nhưng nếu bạn không có một chiến lược tiếp thị đủ hiệu quả để thu hút người dùng tải app của bạn, sử dụng và đánh giá nó thì chắc chắn một điều là thứ hạng app của bạn trên các cửa hàng app sẽ không cao. Điều này dẫn đến khi người dùng tìm kiếm từ khóa hay lĩnh vực liên quan đến app của bạn thì app của đối thủ sẽ hiển thị lên trước app của bạn, và nếu điều này kéo dài thì app của bạn sẽ dần dần mất hút và thành app rác trên các cửa hàng app, cho dù rằng tính năng và giá trị app của bạn là tốt hơn cho người dùng.
Ngoài ra, các chiến lược thu phí sử dụng app hay các mô hình quảng cáo để mang về lợi nhuận của bạn sẽ khó thực hiện được vì người sử dụng app quá ít ỏi, thu không đủ chi. Vì thế mà chiến lược tiếp thị cho app sau khi đã công bố ra thị trường là chiến lược sống còn quyết định sự tồn tại của app trên các cửa hàng. Dưới đây là một vài chiến lược mà bạn có thể tham khảo để giúp bạn thu hút và hấp dẫn người dùng tải app.
1. Chiến lược tiếp thị:
Sau khi app đã được đưa ra thị trường, việc kế tiếp là khởi động các chiến dịch quảng cáo tiếp thị, mục đích là để làm sao thu hút người dùng và lan truyền thông tin về app mạnh mẽ để thu được về lượng tải app đủ lớn, và cùng với đó là các lượt đánh giá nhận xét đầu tiên.
Các chiến dịch quảng cáo tiếp thị nên nhắm đến đối tượng người dùng cụ thể và rõ ràng về nhân khẩu học (giới tính, độ tuổi, ngành nghề, địa bàn, thu nhập,…), hành vi, thói quen, sở thích, nhóm hội tham gia, … Ví dụ, với đối tượng là doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp thì kênh tiếp thị LinkedIn sẽ rất hiệu quả, còn nếu đối tượng là cá nhân với các tiêu chí về nhân khẩu học, hành vi, sở thích, thói quen tiêu , … rõ ràng thì Facebook là kênh tiềm năng để làm tiếp thị.
Ngoài ra các kênh như Instagram, Twitter, YouTube,… cũng là những kênh tiếp thị app có thể xem xét mặc dù phạm vi tiếp cận nhỏ hơn nhưng vẫn có hiệu quả, đặc biệt là đối với các cộng đồng có liên quan đến app. Còn Google Ads thì phù hợp với các app mang tính chất giải pháp – dịch vụ giải quyết khó khăn hay đáp ứng nhu cầu nào đó cho khách hàng. Vì thế chúng ta cần nên biết rõ chân dung người dùng đang nhắm đến và họ thường xuất hiện ở đâu để tìm ra kênh tiếp thị phù hợp để tối ưu hóa chi phí tiếp thị.
Nếu bạn làm app thương mại, tức là để kiếm tiền thì để hấp dẫn người dùng, chúng ta có thể cho họ dùng thử miễn phí trong một thời gian, sau đó khéo léo chào mời họ sử dụng các tính năng hay dịch vụ cao cấp hơn có trả phí. Hoặc bạn đi theo mô hình hoàn toàn miễn phí – Freemium nhưng bạn bán quảng cáo bên trong app (dùng các dịch vụ như Google AdMob, Leadbolt,…), hoặc bán các sản phẩm – dịch vụ bên trong app.
2. Tối ưu hóa tìm kiếm trên cửa hàng app (App Store Optimization – ASO):
Nếu với website chúng ta cần làm tối ưu hóa tìm kiếm (Search Engine Optimization – SEO) thì trên các cửa hàng app chúng ta cũng phải tối ưu tìm kiếm app (ASO). Việc ASO sẽ cải thiện được rất nhiều về thứ hạng app ở kết quả tìm kiếm và giúp tỷ lệ cài đặt app sẽ cao hơn. Theo thống kê thì hơn 65% app được người dùng tìm kiếm trực tiếp từ chức năng tìm kiếm trên các cửa hàng app như Google Play hay iTunes Store.
Khi app của bạn được xếp hạng cao trong tìm kiếm bởi vài từ khóa nhất định, thì thứ hạng tìm kiếm của bạn sẽ được duy trì tiếp tục nhiều tháng sau đó. Thứ hạng cao khi ASO sẽ giúp app đến được với nhiều người dùng tiềm năng, từ đó số lượt tải app sẽ tăng lên và điều này sẽ làm người quản lý app trên các cửa hàng chú ý đến.
Tối ưu tìm kiếm app phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó tên gọi và logo của app là hai yếu tố quan trọng quyết định việc người dùng có bấm vào để tìm hiểu thêm về app của bạn hay bỏ qua nếu nó không đủ hấp dẫn và lôi cuốn. Do đó hãy thật sự trau chuốt và tỉ mỉ với tên gọi và hình ảnh đại diện app của bạn. Và kế đến là nội dung được trình bày bên trong app, vì sẽ thật dễ dàng cho người dùng có được cái nhìn trực quan và rõ ràng về các tính năng, giá trị mà app mang lại thông qua hình ảnh, video giới thiệu, các thông tin, tính năng kèm theo, … Người dùng càng nắm bắt được nhiều thông tin về app thì khả năng tải về càng cao bấy nhiêu.
3. Ghi điểm trong mắt các nhà biên tập của cửa hàng ứng dụng:
Các nhà biên tập của các cửa hàng app Google Play và iTunes Store là các chuyên gia thẩm định và đánh giá app, công việc của họ là chọn lọc và phân loại các app theo các tiêu chí như hình ảnh, nội dung, điểm đánh giá, lượt tải, các lỗi mắc phải, … , từ đó họ sẽ tác động đến việc sắp xếp thứ hạng tìm kiếm cho app đó. Có một chi tiết mà nhiều người hay bỏ qua nhưng đây lại là điểm mà các nhà biên tập đánh giá rất cao đó là việc thường xuyên cập app, sửa lỗi, bổ sung tính năng, thay đổi giao diện và hình ảnh trình bày trong app, trả lời các đánh giá của người dùng, …
Vì thế những nhà phát triển app chuyên nghiệp thường hay chăm sóc và cập nhật cho app của họ thường xuyên và được các nhà biên tập đánh giá là có trách nhiệm và uy tín với người dùng. Và từ đó các app này lại có được thứ hạng cao trong kết quả tìm kiếm.
Giai đoạn giữ chân khách hàng
Nếu chúng ta đã bỏ chi phí để tiếp thị, quảng bá thu hút người dùng sử dụng app thì bước tiếp theo chúng ta cần làm giữ chân những người dùng đã tải app và làm họ sử dụng app thường xuyên, bên cạnh đó là tăng tỷ lệ chuyển đổi người dùng ban đầu thành người sử dụng dịch vụ có trả phí về sau. Dưới đây là vài chiến lược có thể giúp chúng ta tăng tỷ lệ giữ chân người sử dụng app:
1. Xây dựng quan hệ hai chiều:
App ra đời là để phục vụ người sử dụng, vì thế việc thiết lập quan hệ hai chiều để nhận và xử lý phản hồi hiệu quả sẽ là đòn bẫy giúp nhà phát triển app dễ dàng có được niềm tin và đánh giá cao từ phía người sử dụng, và qua đó nhà phát triển sẽ dễ dàng nhận ra các yếu tố chưa tốt cần cải thiện và làm cho app ngày càng tốt hơn với các phiên bản cập nhật thường xuyên. Mỗi lần bạn nhận được lời góp ý có tính xây dựng của người dùng, nếu bạn cảm ơn họ bằng một phần quà, không cần quá lớn thì bạn sẽ tạo được thiện cảm trong mắt người dùng.
2. Gửi các thông báo hấp dẫn:
Một app thành công là khi thời gian tồn tại của nó trên thiết bị người sử dụng là dài lâu, vì đó chính là một dấu hiệu là app của bạn mang lại giá trị cho họ. Do đó đừng lãng phí vị khách hàng tiềm năng này mà hãy tạo ra các chương trình chăm sóc khách hàng, ví dụ như gửi phần quà, tặng phiếu giảm giá, khuyến mãi đặc biệt, hay những quà tặng chương trình hấp dẫn khác nhằm tăng mức độ tương tác với người sử dụng đó. Đây còn là cơ hội để người sử dụng hài lòng và giới thiệu app của bạn cho nhiều người khác.
Như vậy là chúng ta đã tìm hiểu thêm về hai giai đoạn tiếp theo của một chiến lược tiếp thị app, tuy nhiên để đánh giá được độ hiệu quả của một chiến lược tiếp thị thì ta cần thiết lập mục tiêu và có các tiêu chí để đánh giá theo số liệu, việc này sẽ giúp ta có cái nhìn tổng thể về chiến dịch của mình, từ đó sẽ có thêm những điều chỉnh phù hợp cho chiến dịch dựa trên các số liệu thống kê. Và một điểm cần lưu ý nữa là tuyệt đối không phóng đại hóa về app của mình, thay vào đó là giải thích và giúp cho người sử dụng hiểu được điểm mạnh và giá trị app mang lại cho họ khi sử dụng nó. Chúc bạn có một sản phẩm mobile app thành công !
Bài liên quan:
– Làm thế nào để tiếp thị ứng dụng di động – mobile app ? – Phần 1
– Lựa chọn đối tác phát triển app doanh nghiệp như thế nào ?