Với hơn bốn triệu ứng dụng di động (mobile app, ở đây gọi tắt là app) hiện nay đang có trên thị trường thì việc để người dùng có thể tìm kiếm và nhận biết được app của bạn là điều không hề đơn giản. Và để làm được điều này thì chiến lược tiếp thị chính là chìa khóa giúp app của bạn có tên trong kết quả tìm kiếm. Vậy tiếp thị có phải là quảng cáo lên các mạng truyền thông, hay nhờ người nổi tiếng? Điều này chỉ đúng với một phần của chiến lược. Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu ba giai đoạn của một chiến lược tiếp thị app là như thế nào?
Giai đoạn nghiên cứu – phát triển app
Là giai đoạn đầu tiên của một chiến lược tiếp thị app, giai đoạn này xảy ra trước giai đoạn đưa app ra thị trường. Mục tiêu của giai đoạn này chính là xây dựng độ nhận diện thương hiệu và sản phẩm app với người dùng trước khi đưa app ra thị trường. Cụ thể hơn là ta sẽ thăm dò, lấy ý kiến, khảo sát, đánh giá các điểm liên quan đến trải nghiệm người dùng, app của ta sẽ giải quyết được điều gì ? Các đối thủ cùng ngành họ có app như thế nào ?… Để rõ ràng hơn thì ta sẽ cùng nhau tham khảo những bước sau đây để hiểu về “Giai đoạn nghiên cứu – phát triển app” của một chiến lược tiếp thị apps có nội dung gì?
1.Thời gian phát hành:
Xác định được rõ ràng thời gian công bố rộng rãi của một app là một bước quan trọng trong việc giữ lời hứa với người dùng và giúp cho kế hoạch của ta có đủ thời gian để chuẩn bị và công bố đúng thời điểm. Ngoài ra việc này giúp phòng tránh được các rủi ro phát sinh do việc kiểm tra, đánh giá app nghiêm ngặt của hai ông lớn iTunes Appstore và Google Play Store, bên cạnh đó là việc đủ thời gian chuẩn bị cho sự kiện ra mắt app sau này.
2.Nghiên cứu thị trường “Nghiêm túc”:
Hầu hết chúng ta hay mắc phải lỗi là thiếu việc quan sát thị trường một cách nghiêm túc, chúng ta cần xác định được rõ ràng từng mục đích mà app sẽ nhắm đến. Cho dù chiến lược tiếp thị của ta có tốt đến mấy nhưng nếu app của ta không giải quyết được nỗi đau hoặc là giải quyết nỗi đau tốt hơn một app tương tự nào đó đã có sẵn trên thị trường thì app của ta khó mà thành công.
3.Vẽ ra “Bức tranh” người dùng:
Một trong những bước quan trọng của giai đoạn nhận thức là xác định được đâu là người dùng mục tiêu của app, họ có nhu cầu hay mong muốn hay khó khăn gì ? Và điểm trải nghiệm mấu chốt mà sản phẩm bạn mang lại cho họ là gì? App của bạn dành cho một nhóm người sử dụng hay là từng cá nhân riêng lẻ ?… Đi sâu hơn thì việc tìm ra được hình ảnh đại diện của người dùng cũng chính là cơ sở cho thiết kế và xây dựng các tính năng sau này của app, cũng như việc định hình các chiến lược và mô hình thương mại (kiếm tiền) của app. Vì thế việc bạn tìm hiểu đối tượng mục tiêu càng rõ bao nhiêu thì tính năng và nội dung trên app của bạn sẽ đầy đủ và chi tiết bấy nhiêu. Sau đây là những câu hỏi gợi ý quan trọng mà bạn có thể sử dụng để tìm ra câu trả lời cho bức tranh người dùng của mình:
- Điểm trải nghiệm mấu chốt mà người dùng sẽ có được từ app của bạn là gì?
- Hệ điều hành nào mà người dùng của bạn sử dụng nhiều nhất? iOS hay Anrdroid?
- Loại nội dung, hình ảnh như thế nào sẽ thân thiện với người dùng?
- Những đối tác quảng cáo nào là tốt nhất để tận dụng cho quảng cáo trả tiền?
- Những người dùng có muốn trả tiền mua app hoặc mua hàng trong app không?
- Sở thích và hành vi sử dụng lướt mạng của người dùng như thế nào?
4. So sánh và đánh giá đối thủ:
“Có một điều chắc chắn rằng app của bạn sẽ luôn có đối thủ cạnh tranh”. Hãy luôn ghi nhớ điều này vì chủ quan sẽ khiến bạn dễ bị loại khỏi cuộc chơi. Để thực hiện việc so sánh, bạn hãy nêu tên 5 đối thủ lớn nhất đang có app tương tự như của bạn. Sau đó hãy so sánh sản phẩm của họ với các tiêu chí sau:
- Về giá.
- Về tính năng và nội dung.
- Về mô hình kinh doanh.
- Về thứ hạng trên cửa hàng app.
- Về giao diện người dùng (Các điểm thuận tiện/bất tiện).
- Về các đánh giá, nhận xét của người dùng.
Việc so sánh này giúp cho bạn tránh được các vết xe đổ của người đi trước và từ đó tìm ra được điểm khắc phục cho app của bạn và tạo ra được sự khác biệt trong số còn lại. Điều này sẽ giúp cho chiến lược tiếp thị của bạn sau này sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
5.Chuẩn bị sẵn một trang web tiếp thị cho app:
Xây dựng một website, landing page hay một video giới thiệu vui tươi về app là một chiến lược khôn ngoan mà nhiều doanh nghiệp áp dụng và đây cũng là hình mẫu trong cách làm tiếp thị apps hiện nay. Ngoài ra xây dựng một website trước khi phát hành app cũng là một cách để bạn có thể thu thập dữ liệu người dùng nào thực sự quan tâm app và gửi email thông báo cho họ về ngày công bố app rộng rãi. Nếu có thể được thì nên mời họ làm người đánh giá đầu tiên cho app. Những đánh giá này sẽ có mức độ trung thực cao về trải nghiệm và cảm nhận ban đầu đối với app, nhưng việc này cũng sẽ là con dao hai lưỡi, nếu những đánh giá ban đầu đó không được tốt. Vì thế bạn phải đảm bảo mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng khi sử dụng app.
6. Tiếp thị trên mạng xã hội:
Nếu bạn làm tốt ở bước số 2 và số 3 ở trên thì ở bước này bạn sẽ rất dễ dàng tìm ra đúng kênh mạng xã hội để tiếp thị đồng thời với việc quảng bá trang web cho app của bạn. Tuy nhiên để việc tiếp thị được hiệu quả thì bạn cần làm rõ các điều sau:
- Trên thông tin cá nhân xã hội hay trong website công ty của bạn có đang nói về app mà bạn đang tiếp thị không?
- Mục đích xuất hiện của app có rõ ràng không?
- Có đường link để tải app về không?
Bên cạnh đó bằng việc đăng những cập nhật mới về app, nâng cấp tính năng sẽ tạo được thích thú cho người theo dõi trang. Sử dụng các hashtag khéo léo để tăng khả năng tìm kiếm. Việc đăng và chia sẻ thông tin về app không chỉ là quảng cáo mà còn là một cách để tạo một cộng động riêng quan tâm về app sau đó.
7. Xây dựng nội dung tiếp thị:
Nội dung là một phần không thể thiếu của một chiến lược tiếp thị. Vì thế việc lên kế hoạch xây dựng nội dụng cho app mới sắp ra thị trường là một chiến lược mang lại hiệu quả. Bằng việc viết bài, làm tài liệu trình bày, các video giới thiệu về các tính năng, lợi ích của app không chỉ giúp cho bạn hiểu và nắm rõ về app của mình mà còn giúp cho người dùng dễ dàng có thông tin và kiến thức về việc sử dụng app sau này. Điều này còn giúp cho bạn trở thành chuyên gia trong phân khúc đó trong mắt người dùng. Các lợi ích từ việc xây dựng nội dung tiếp thị hiệu quả là:
- Thu hút lượt truy cập, tăng chuyển đổi và nhận diện thương hiệu
- Tạo ra thương hiệu mới trong phân khúc app của bạn
- Xây dựng được niềm tin với người dùng
- Các nội dung có thể sử dụng cho các mục đích tiếp thị email hay tương tác mạng xã hội.
Như vậy với Phần 1 của bài viết, chúng ta đã tìm hiểu về giai đoạn đầu tiên của việc tiếp thị app là “Giai đoạn nhận thức”, chúng ra sẽ tiếp tục tìm hiểu thêm về hai giai đoạn còn lại ở Phần 2 – “Giai đoạn quay lại” và “Giai đoạn ở lại”.
Bài liên quan:
– Làm thế nào để tiếp thị ứng dụng di động – mobile app ? – Phần 2
– Lựa chọn đối tác phát triển app doanh nghiệp như thế nào ?